Đại Việt Sử Lược
EPUB
Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần
Thể loại: Lịch Sử Việt Nam
Bộ truyện : Lịch Sử – Quyển 2
Đọc online
Giới thiệu
“Đại Việt sử lược” là tác phẩm sử học cổ nhất của Việt Nam. Năm 1407, ngay sau khi đè bẹp cuộc kháng chiến do nhà Hồ lãnh đạo, quân Minh đã thi hành rất nhiều chính sách tàn bạo đối với nhân dân ta.
Về văn hóa và giáo dục, chúng đã phá hủy nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc từng nổi tiếng từ nhiều thế kỷ trước, tịch thu, đốt bỏ hoặc đem về nước không ít các tác phẩm rất có giá trị, trong số đó có “Đại Việt sử lược”. Vào đời Thanh Càn Long (1736-1795), một học giả lừng danh của Trung Quốc là Tiền Hy Tộ đã tiến hành hiệu đính và cho khắc in lại bộ sách này với tên gọi mới là “Việt sử lược”. Hầu hết các nhà khảo cứu văn bản đều cho rằng Trung Quốc khó lòng chấp nhận chữ Đại dùng để chỉ một nơi nào đó ngoài Trung Quốc nên đã thẳng tay gạt bỏ chữ Đại, vì thế tên sách chỉ còn là “Việt sử lược”.
“Đại Việt sử lược” được biên soạn vào thời Trần nhưng tác giả là ai thì chưa rõ, vì vậy các nhà khảo cứu tạm ghép vào hàng các tác phẩm khuyết danh. “Đại Việt sử lược” đã được nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải. Đây là công trình phản ánh một trong những mạch hoạt động tích cực và rất có hiệu quả của ông, người từng dịch, hiệu đính, chú giải trên một vạn trang sách chữ Hán cổ.
Đọc “Đại Việt sử lược” chúng ta có dịp tiếp cận với một công trình được biên soạn vào thời Nho học chưa thật sự thịnh đạt nên cách nhìn quốc thống và chính thể cũng như phép kiến giải sự kiện khác hẳn với “Đại Việt sử ký toàn thư” là tác phẩm ra đời trong bối cảnh Nho giáo đã giành được vị thế độc tôn trên vũ đài chính trị và tư tưởng nước nhà. “Đại Việt sử lược” giúp bạn đọc hiểu đầy đủ hơn về cấu trúc bộ máy nhà nước được tổ chức theo mô thức nhà nước của quý tộc thời Lý. Qua “Đại Việt sử lược”, hình ảnh nước Đại Việt từng tôn kính coi Phật giáo như là quốc giáo hiện ra rất rõ. Nhà Lý với cuộc kháng chiến chống Tống, nhà Lý với việc mở rộng lãnh thổ về phương Nam, nhà Lý với những chính sách đối với kinh tế, văn hóa và xã hội Đại Việt… đều được ghi lại.
Đọc và dịch thư tịch Hán cổ đã khó, hiệu đính chú giải từng sự kiện và điển tích lại còn khó hơn. Đọc “Đại Việt sử lược”, có thể nhận ra sự công phu trong hiệu đính và đặc biệt là trình độ uyên bác thể hiện trong lời chú giải của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần. Ngoài những giá trị tham khảo rất đa dạng và tin cậy, bạn đọc còn có thêm nguyên bản chữ Hán sách này được in kèm.