Thuần Phong Mỹ Tục Việt Nam
EPUB
Tác giả: Sơn Nam
Thể loại: Văn Hóa – Triết Học
Đọc online
Giới thiệu
Ngày nay ta gọi nếp sống văn hóa mới; thời xưa, gọi “thuần phong mỹ tục”, nôm na là ăn ở “lịch sự” Lịch sự là nhan sắc bề ngoài nhưng còn chỉ cách ứng xử với người trong gia đình, dòng họ, xã hội sao cho đúng phép tắc, lễ nghĩa. Ở Chợ Lớn, từ thời Tự Đức về trước, có làng Minh Hương, nhằm qui tụ người Hoa lai Việt. Hương chức làng được quyền thu thuế, nạp cho cấp trên đúng thời hạn, ngoài ra, phân xử những kiện cáo lớn hỏ, đặc biệt là các ông kỳ lão do dạy dỗ người trong làng về quan ,hôn, tang tế. Bấy giờ có câu ca dao:
Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng,
Đố ai lịch sự bằng làng Minh Hương.
Trong những làng xã đã định hình, đạc biệt ở đồng bằng sông Hồng, thời trứơc có “Hương ước”, đại khái, một kiểu lệ làng qui định xử phạt những ai ăn ở ngỗ nghịch, không tuân lệnh cấp trên, ăn nói thô tục, không tương trợ người củng thôn xóm, ngạo mạn với thần thánh.
Lịch sự, thuần phong mỹ tục được cụ thể hóa với nghi thức tối thiểu. Ngày Tết, việc thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên vẫn cần nghi thức tối thiểu, thí dụ như mặc áo gài nút, mặt mày sạch sẽ, đành rằng cái “tạm” (tấm lòng) là nội dung quyết định, nhưng cái tâm phải được bộc lộ ở hình thức tối thiểu. Chẳng lẽ trong nhà gặp tang khó, người chịu tang khóc lóc, đau khổ nhưng lại mặc quần ngắn. Khi thăm viếng bạn bè ai lại để đầu bù tóc rối, quần áo xốc xếch. Ngày Quốc lễ, chẳng lẽ nhớ Tổ quốc nhưng nhà cửa không quét tước?
Tập biên khảo này soạn ra nhằm mục đích góp ý vào quan niệm “nếp sống mới”, không làm sao chép những nghi thức phức tạp trong sách vở thời xưa mà chưa ắt thời xưa có người thực hiện đúng, họa chăng là kẻ quyền quí tột bậc. Thật ra, phong tục, nghị lễ tự nó đã biến đổi chậm hay nhanh, trước sự biến đổi của kinh tế, nhất là khi tiếp xúc với Tây Phương, thời tư bản chủ nghĩa. Chẳng còn mấy người đàn ông mang cái búi tó! Trai gái gặp nhau, theo ca dao thì mời miếng trầu. Đó là dĩ vãng. Cô gái ra đường đội nón quai thao, mang yếm thắm, hoặc mang vòng vàng quá nhiều, mặc áo tứ thân chỉ còn thấy trong truyện dã xử, trong bức tranh sơn mài, hoặc hội diễn áo quần qua các thời đại, nhắc nhở nhớ nguồn. Đám tang ngày nay chẳng ai đủ thời giờ, khả năng, và phương tiện vật chất để làm đủ lễ như xưa. Thời “mở cửa”, của cải tạo xã hội, đổi mới, thiết tưởng ta nên hểiu nội dung của tục lệ xưa, rút ra vài nét cơ bản: không có không được”, rồi vận dụng linh hoạt tùy nơi thành thị, chốn thôn quê, ở gia đình giàu hay nghèo.
Nhiều sách khảo cứu đã xuất bản, nhưng nội dung là hoài cổ, nói những điều mà ngày nay chẳng ai thực hiện được, chẳng khác nào đề nghị cán bộ đi công tác nên nằm trên võng có người khiêng, hoặc người trong quân đội nên trang bị như “lính thú thời xưa”.
Nước ta chịu ảnh hưởng nghi lễ Trung Hoa trong thời gian khá dài, dựa vào sách Chu Lễ (nghi lễ đời nhà Châu) qui định đến “300 điều Lễ nghi” (lễ nghi tam bách) thêm 3.000 điều “Uy nghi”. Nhưng trong thực tế, nói để mà nói, chưa ắt người xưa bên Trung Quốc, thậm chí bậc vua chúa muốn thực hiện đủ huống gì khi đem vận dụng vào hoàn cảnh nước ta, với nguồn gốc dân tộc, phong thổ, điều kiện khí hậu riêng, từ thời đại đồ đá, đồ đồng, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi đã khẳng định (theo bản dịch Trần Trọng Kim)
“Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác” (Bắc là nước Trung Hoa).
Theo cách nói thông thường, muốn giữ phong tục ta chú trọng bốn trường hợp cụ thể :
1/ Quan, theo nghĩa Gia quan (quan là cái khăn).
2/ Hôn (lễ cưới).
3/ Tang (việc ma chay, tống táng).
4/ Tế (việc tế tự ở đền miếu).
Nói cho rộng ra, nào phải riêng người Việt, người Trung Hoa mới chú trọng bốn vấn đề trên. Các dân tộc khác vẫn có “quan”, “hôn”, “tang, “tế” nhưng họ dùng danh từ khác, cốt lõi vẫn giống nhau. Không nên tự tôn hoặc tự ti về vấn đề này.
Chúng ta lần lượt trình bày từng vấn đề, thử đề nghị vài nguyên tắc “khả thi”, có thể ứng dụng được mà vẫn giữ nguyên tắc cơ bản “về nguồn”, không ghi lại rườm ra những chi tiết đâu đâu, nghe nói chớ chưa ai từng thấy. Đối tượng người đọc vẫn là đồng bào phần lớn ở Nam Bộ, ở Sài Gòn, với vùng nội thành chen chúc và vùng quê đã ít nhiều bị “đô thị hóa” trong kinh tế thị trường.