Chuyện Xảy Ra Ở London
EPUB
Tác giả: Julia Quinn
Thể loại: Tiểu Thuyết
Đọc online
Giới thiệu
Đến năm mười hai tuổi, Harry Valentine có chút khác biệt so với những đứa bạn cùng lớp ở nước Anh đầu thế kỷ mười chín. Ấy là do cậu có hai biệt tài khác thường.
Thứ nhất là cậu rất thạo tiếng Pháp và tiếng Nga. Biệt tài này chẳng có gì khó hiểu; vì lúc Harry được bốn tháng, bà ngoại Olga Petrova Obolenskiy Dell có tiếng là trưởng giả và độc đoán đến sống cùng nhà Valentine.
Bà Olga ghét cay ghét đắng tiếng Anh. Lúc nào bà cũng khăng khăng rằng chẳng thứ gì trên thế giới này cần nói ra mà lại không thể diễn đạt được bằng tiếng Pháp hay tiếng Nga.
Còn chuyện tại sao bà lại lấy ông ngoại – một người Anh – làm chồng thì bà chẳng thể nào giải thích cho ra ngô ra khoai.
“Có thể vì chuyện này cần giải thích bằng tiếng Anh mới được,” chị Anne thì thào.
Harry chỉ nhún vai cười mỉm (như bất kỳ một thằng em biết hành xử đúng mực nào) khi chị bị cốc đầu vì câu nói đó. Bà coi tiếng Anh không ra gì thật nhưng bà hiểu không sót một từ nào, tai bà thì còn thính hơn cả tai chó săn. Thì thào bất kỳ điều gì – bằng bất kỳ thứ tiếng gì – chẳng phải là ý hay khi bà đang có mặt trong phòng học. Thì thào bằng tiếng Anh là việc làm dại dột hết nước hết cái. Đằng này lại còn thì thào bằng tiếng Anh để chỉ trích cả tiếng Pháp lẫn tiếng Nga đều không thể biểu đạt điều cần nói…
Thực sự, Harry thấy bất ngờ chuyện Anne không bị bà ngoại cho mấy roi vào mông.
Bà ngoại ghét tiếng Anh như thế nào thì Anne không ưa tiếng Nga như thế ấy. Cô kêu nó quá nhiêu khê, còn tiếng Pháp thật khó nhằn. Khi bà đến sống cùng, Anne đã lên năm và lúc ấy tiếng Anh của cô bé đã ăn sâu bén rễ trong đầu, không chịu cho một thứ tiếng nào khác có chỗ đứng ngang bằng.
Harry, trái lại, hăm hở nói bất kỳ thứ tiếng nào cậu nghe được từ người khác. Tiếng Anh để nói hằng ngày, tiếng Pháp cho những điều thanh tao, còn tiếng Nga dùng cho những chuyện kịch tính và huyên náo. Nước Nga rộng lớn. Lạnh. Và trên tất cả, đây là đất nước vĩ đại.
Peter Đại đế, Catherine Vĩ đại – từ bé Harry đã thuộc nằm lòng những câu chuyện về họ.
“Úi dào!” không ít lần bà Olga buông lời chế giễu thế khi gia sư của Harry cố dạy lịch sử nước Anh cho cậu. “Ethelred Chưa sẵn sàng[1] là ai đấy? Có cái thứ đất nước nào mà vua chúa lại ở thế chưa sẵn sàng không chứ?”
“Nữ hoàng Elizabeth cũng vĩ đại mà bà,” Harry vớt vát.
Điều đó cũng chẳng gây được ấn tượng gì cho bà Olga. “Vậy bà ấy có được gọi là Elizabeth Đại đế không? Hay Nữ hoàng Vĩ đại không? Không, không hề. Người ta gọi bà ấy là Nữ hoàng Đồng trinh, như thể chuyện đó đáng hãnh diện lắm vậy.”
Đến lúc này, tai cậu gia sư đỏ lựng lên, khiến Harry đâm tò mò tợn.
“Cái bà ấy thì vĩ đại nỗi gì,” bà Olga tiếp tục bằng giọng lạnh có khi còn hơn cả băng. “Ngay cả chuyện để lại cho đất nước một người kế vị ngai vàng cũng không làm được thì có gì mà vĩ với chả đại.”
“Hầu hết các sử gia đều đồng tình rằng nữ hoàng không kết hôn thế là khôn ngoan,” cậu gia sư lên tiếng. “Bà cần phải giữ hình ảnh không hề bị hoen ố, và…”
Cậu gia sư bỏ lửng câu nói. Harry không hề ngạc nhiên. Bà Olga vừa lia cặp mắt sắc như dao về phía cậu ta. Harry chưa thấy ai có thể tiếp tục nói khi bị ánh mắt ấy chiếu thẳng vào mặt như thế.
“Cậu rõ là ngu ngốc,” bà dằn từng tiếng rành rọt rồi quay ngoắt đi. Ngày hôm sau bà đuổi việc cậu gia sư và tự mình dạy Harry đến khi nào tìm được gia sư mới.
Đúng ra, việc thuê gia sư cho trẻ con nhà Valentine – lúc này đã lên đến ba đứa (thằng em Edward đi nhà trẻ khi Harry lên bảy) – và sa thải họ không phải là chuyện của bà Olga. Nhưng chẳng ai muốn vướng vào chuyện này. Mẹ Harry, Katarina Dell Valentine, không bao giờ tranh cãi với mẹ mình, còn cha Harry thì… ừm…
Có khá nhiều điều để nói về biệt tài thứ hai của Harry Valentine – một biệt tài bất thường đối với đứa trẻ mười hai tuổi.
Cha Harry, ngài Lionel Valentine, là một kẻ nát rượu.
Tất nhiên đây không phải biệt tài rồi. Không ai là không biết ngài Lionel nốc rượu như hũ hèm. Ngài Lionel thường chân nam đá chân chiêu, nói năng nhíu nhịu, rồi phá lên cười vang một mình. Và thật xui xẻo cho hai chị hầu gái (và cả hai tấm thảm trong phòng đọc sách của ông nữa) khi ông có cách để rượu không thể làm ông mập lên được.
Và cũng bởi thế, Harry đâm ra thạo việc lau dọn đống cha nôn mửa ra.
Chuyện này bắt đầu từ năm cậu lên mười. Hôm ấy đúng ra cậu có thể cứ để nguyên thế, có điều trước đó cậu đang cố hỏi xin cha ít tiền tiêu vặt và trót hỏi lúc đã khá khuya. Ngài Lionel đã làm một cữ brandy buổi chiều, một cốc nhỏ lúc chạng vạng, ít vang vào bữa tối, rồi ngay sau đó lại bồi tiếp porto, và giờ quay lại với thứ ông khoái nhất, brandy nhập lậu từ Pháp mà lúc chiều ông vừa mới nốc xong. Harry dám chắc một điều là cậu đã nói rất rành rọt bằng tiếng Anh khi hỏi xin tiền cha, nhưng ông cứ chằm chằm nhìn cậu, mắt chớp chớp mấy cái như thể ông chẳng hiểu nổi đứa con trai đang nói gì, và rồi phun cả lên giày Harry.
Harry không tránh đi đâu được cái của nợ gớm chết ấy.
Rồi sự việc cứ lặp lại như thế. Một tuần sau đó cha cậu lại nôn, dù không vào đúng chân cậu, rồi một tháng sau chuyện tương tự lại xảy ra. Năm Harry lên mười hai, chẳng đứa nhỏ nào ở tuổi cậu có thể nhớ nổi số lần dọn dẹp chỗ nôn mửa của cha trong những lần say, nhưng cậu luôn là đứa thích chính xác, và một khi cậu đã bắt đầu đếm thì khó mà dừng lại được.
Hầu hết mọi người chỉ có thể nhớ đến bảy là cùng. Đã là con số lớn nhất mà phần đông có thể nhận biết trực quan. Harry biết được điều đó khi đọc thêm về logic và số học. Hầu như ai cũng có thể nói ngay “Bảy” chỉ sau một cái liếc mắt lên trang giấy có vẽ bảy dấu chấm. Thêm một chấm nữa vào, hầu hết mọi người đều chịu.
Harry có thể nhận biết đến con số hai mươi mốt.
Vậy nên chẳng mấy ngạc nhiên khi, sau mười lăm lần lau dọn, Harry vẫn biết chính xác bao nhiêu lần cậu trông thấy dáng cha xiêu vẹo đi qua sảnh, hay mê man bất tỉnh trên sàn, hay nôn (trượt) vào chậu đựng nước tiểu trong phòng. Và thế là, một khi đã đạt đến con số hai mươi, chuyện này đã trở thành một cái gì đó hơi mang tính học thuật, và cậu phải tiếp tục, không dừng lại được.
Chuyện này hẳn phải mang tính học thuật. Nếu không phải vậy thì sẽ là cái gì đó khác, và khi đó có thể cậu sẽ nằm khóc cho đến khi ngủ thiếp đi thay vì nhìn chong chong lên trần nhà, miệng lẩm nhẩm, “Lần bốn mươi sáu rồi, nhưng nhỏ hơn một tẹo so với cái đống hôm thứ Ba vừa rồi. Hình như tối nay cha ăn ít thì phải.”
Đã từ lâu mẹ Harry quyết định làm ngơ mỗi khi chuyện đó xảy ra, và những lúc như thế bà thường ra vườn chăm mấy khóm hồng bà Olga mang sang từ Nga nhiều năm trước. Lúc sắp bước sang tuổi mười bảy, Anne cho cậu biết cô sẽ lấy chồng để “thoát khỏi cái địa ngục trần gian này.” Và cô làm thế thật, để chứng minh cho lòng quyết tâm của cô, bởi lẽ cả cha lẫn mẹ đều chẳng mảy may để tâm gì đến việc đảm bảo cho cô con gái một đám môn đăng hộ đối. Còn cậu út Edward chọn cách thích nghi, như anh Harry của mình. Sau bốn giờ chiều là có cha mà cũng như không, ngay cả khi có vẻ như ông cũng còn chút tỉnh táo (thường là thế, cho đến bữa tối thì ông mới thật sự chẳng còn ra người ngợm gì nữa).
Kẻ ở người làm trong nhà ai cũng biết rõ cả. Chẳng có mấy người nên gia đình Valentine sống khá thư thả trong một ngôi nhà ngăn nắp sạch sẽ ở Sussex và hằng năm vẫn đều đặn nhận một trăm bảng từ khoản hồi môn của mẹ Katarina. Nhưng thế không có nghĩa là họ giàu có thừa mứa gì, và kẻ ở người làm nhà Valentine chỉ có tám người – ông quản gia chị bếp, bà dọn dẹp, đứa giữ ngựa, hai hầu trai, cô hầu gái, và chị rửa bát. Hầu như ai cũng thấy yên ổn hài lòng khi giúp việc cho nhà Valentine cho dù đôi lúc phải làm những phận sự không mấy dễ chịu liên quan đến thói quen rượu chè của ông chủ. Ngài Lionel có thể nát rượu thật đấy nhưng ông không phải là một tay nát rượu ti tiện. Ông cũng không phải là người keo kiệt, và thậm chí mấy cô hầu gái còn biết cách kiếm thêm vài đồng từ việc “xử lý” đống nôn mửa của ông chủ khi ông mang máng nhớ lại những chuyện mình đã làm và thấy xấu hổ.
Do vậy Harry thực sự không hiểu tại sao cậu cứ lo lau rửa dọn dẹp mỗi bận cha cậu nôn mửa như thế, vì rõ ràng là nếu cậu cứ để nguyên vậy thì cũng có người khác làm thôi. Có thể cậu không muốn kẻ ở người làm trong nhà biết cha say sưa thường xuyên ra sao. Có thể cậu muốn mình ý thức được những hiểm họa từ rượu. Cậu nghe nói ông nội cậu cũng chè chén be bét y như thế. Chả lẽ những chuyện như vậy mà cũng di truyền được hay sao?