Hoa Xuân Tứ
EPUB
Tác giả: Quang Huy
Thể loại: Thiếu Nhi
Đọc online
Giới thiệu
Trong căn nhà nhỏ lụp sụp bên dòng sông Lam, trước mắt chúng tôi là người đàn ông với mái tóc muối tiêu, nước da sạm nắng, đôi tay cụt đến tận nách. Không thể tưởng tượng nổi người đàn ông đó đã có một tuổi thơ khó nhọc và cay đắng; cũng chính ông đã làm nên những kỳ tích đáng khâm phục. Chuyện về cậu bé Hoa Xuân Tứ (SN 1950), trú xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) bị cụt tay vẫn học giỏi, nhanh nhẹn, đặc biệt là viết chữ đẹp bằng vai, má đã được nhiều người biết đến từ những năm 60 thế kỷ trước. Đến nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng kí ức về cái ngày khủng khiếp đó dường như vẫn còn in mãi trong tâm trí ông.
Thời đó, làng Hưng Nhân có rất nhiều bãi bồi bên dòng sông được người ta trồng mía. Hằng ngày, Tứ vẫn thường theo anh trai ra sông kéo tre ép mật. Một hôm, anh trai có việc phải đi đâu đó, thấy con trâu kéo trục ép mía cứ đi vòng vòng hay quá nên Tứ chạy lại ngó nghiêng. Bắt chước anh trai, Tứ vác cây mía cho vào guồng ép. Nhưng thay vì rút tay ra khi cây mía vào guồng thì Tứ cứ thế cầm đẩy theo. Một bàn tay bị cuốn vào vòng trục. Hoảng sợ, Tứ la lên rồi theo phản xạ tự nhiên đưa tay còn lại kéo tay kia ra. Thế là cả hai tay đều bị cuốn vào guồng, máy ép nát cả hai tay đến tận vai. Mặc dù, tính mạng được giữ lại nhưng đôi tay đã không còn.
Bị mất đi cánh tay, Tứ phải chịu sự đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. Tuổi thơ của cậu bé lớn lên trong nỗi buồn phiền của chính bản thân và sự dè bỉu của bạn bè. Thấy các bạn tung tăng đến trường, Tứ cũng mò mẫm đi theo. Mới đầu đến lớp, thầy giáo khuyên bố mẹ đưa con về nhưng vì ham học nên suốt giờ lên lớp, các bạn ngồi học, Tứ cũng đứng ngoài cửa sổ cầm que viết theo. Thấy Tứ ham học, các thầy cô nhận cậu vào học. Tứ kẹp phấn vào kẽ ngón chân, đôi bàn chân run rẩy vì bị chuột rút, viết ra không thành chữ. Sau đó, cậu chuyển sang tập viết bằng cằm và vai. Dù không có tay, nhưng Tứ vẫn giành được thành tích đáng nể trong học tập, nhiều năm liền giành được danh hiệu học sinh tiên tiến. Rồi Tứ vinh dự được tham dự Đại hội “2 giỏi” toàn tỉnh và được các nhà văn, nhà báo biết đến.
Không những chịu khó trong học tập, Tứ còn nổi tiếng khéo làm việc nhà phụ giúp bố mẹ, nhiều việc Tứ làm người thường cũng còn ngạc nhiên. Tứ tập bơi, lặn một mạch khiến cả làng được phen bạt vía, tưởng thằng bé chết đuối. Bọn trẻ trong làng không dám khinh thường Tứ “cụt” vì việc gì Tứ cũng làm được, còn sáng tạo ra nhiều cách độc đáo như “luyện” cho trâu biết quỳ xuống để cu cậu trèo lên lưng cưỡi đi.
Nhưng có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với Tứ là được tham dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc vào năm 1966. Nhớ lại cái ngày đó, ông hào hứng: “Đại hội năm đó to lắm, toàn các chú bộ đội nhiều thành tích trong chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Năm đó chỉ có 6 thiếu nhi được tham dự thôi. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất tôi được gặp Bác Hồ. Bác ân cần thăm hỏi hoàn cảnh gia đình của từng người, rồi phát kẹo nữa. Tôi vẫn nhớ như in hành động Bác đặt tay lên vai tôi rồi nói: “Cho Bác gửi lời hỏi thăm bạn bè, bố mẹ, thầy cô của các cháu. Chúc mọi người sức khỏe và công tác tốt. Các cháu là những mầm non của đất nước, các cháu phải cố gắng nhiều hơn nữa, để sau này trở thành người có ích cho xã hội”.
Biết hoàn cảnh của tôi, Bác đã chỉ thị cho bác sỹ Tôn Thất Tùng làm cho tôi cánh tay giả. Chiếc tay giả này có khớp, giúp tôi ăn cơm hay làm các việc nhẹ nhàng nhưng đã bị cuốn mất trong cơn lũ năm 1978”, ông Tứ nuối tiếc khi nhớ lại kỷ niệm này. Những lời căn dặn của Bác trở thành động lực để ông cố gắng mỗi khi vấp váp hay cảm thấy mình đuối sức trước những quăng quật của gánh nặng cơm áo gạo tiền.