Tấm Ván Phóng Dao
EPUB
Tác giả: Mạc Can
Thể loại: Tiểu Thuyết
Đọc online
Giới thiệu
Thú thật, đã lâu lâu tôi không đọc tiểu thuyết. Do bận cũng có, do lười cũng có. Tiểu thuyết là một loại “hàng nặng”, cần phải có tâm huyết, thời gian, sức khoẻ, lại phải tương đối thư nhàn, không quá bấn bíu với miếng cơm manh áo… mới có thể đọc cho tử tế được.
Văn Giá –
Mới đây, nhân đợt có công chuyện dài ngày ở mấy tỉnh miền Tây Nam Bộ, tôi được một người bạn là cô giáo dạy văn trường chuyên phổ thông trung học tặng cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao (1), kèm theo một lời khích lệ: “Cuốn này đọc được đấy!”. Ban đầu tôi chỉ nghĩ thôi thì ít nhất cũng có cái để đọc cho đỡ buồn lòng những đêm xa nhà xa cửa. Nhưng thật bất ngờ, sau khoảng chừng mươi trang đầu, tôi bị cuốn hút ngay lập tức.
Những mảnh ký ức u buồn
Câu chuyện về cơ bản được trần thuật từ một nhân vật xưng “tôi” – người kể chuyện. Gọi là kể chuyện, nhưng câu chuyện không dựa trên một cốt truyện rõ ràng. Nếu bảo kể lại rất khó. Chỉ có thể đại loại thế này: Nhân vật ông Ba đứng ra kể về cuộc đời, số kiếp của ông cùng những người trong gia đình – một gánh xiếc rong hành nghề ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ những năm tạm chiếm. Trong chương trình biểu diễn của gánh xiếc này có một tiết mục được coi là hấp dẫn nhất, là linh hồn của các đêm diễn (nên cũng trở thành quan trọng nhất trong việc câu khách, bán vé, mưu sinh) – màn phóng dao của ba vai diễn: Tôi – người đứng sau tấm ván có nhiệm vụ giữ tấm ván cho vững, cô em gái còn nhỏ tuổi đứng áp lưng vào mặt trước của tấm ván, và người anh trai cả trong vai phóng dao cầm 12 lưỡi dao sáng loáng phóng trực diện lần lượt cắm xung quanh khuôn mặt người em gái. Sau nhiều đêm thành công, có một đêm, do người phóng dao bị phân tâm, cô em gái đã bị nạn. Cũng từ đêm kinh hoàng đó cô gái trở thành một phế nhân mang triệu chứng bệnh tâm thần, gánh xiếc cũng tan vỡ, gia đình ly tán, mỗi người một số phận đau buồn theo những cách khác nhau… Nhưng đây không phải là một truyện kể, mà là một tiểu thuyết, được viết bằng kỹ thuật, nghệ thuật của tiểu thuyết. Toàn bộ câu chuyện và các nhân vật tham gia vào câu chuyện được trình bày như một quá trình, sự sống cứ thế mở ra sống động trong từng vi mạch. Hiệu quả là: Tác phẩm vần vụ những suy tư, chiêm nghiệm, day dứt, nghiền ngẫm về số kiếp con người. Tất cả đã hoà kết, cộng hưởng lại, tạo cho tác phẩm một ám ảnh, một ba động lớn.
Viết tiểu thuyết này, tác giả chọn cách thức trần thuật theo kiểu hồi ức. Từ thời gian hiện tại, nhân vật tôi – ông Ba nay đã già cả, độc thân, làm nghề bán dạo các con rối bằng vải tự làm – kể lại câu chuyện của những ngày cả gia đình hành nghề xiếc rong. Thỉnh thoảng ông đến thăm bà em (trước kia là cô đào đứng trước tấm ván) cũng đã già, sống độc thân, sau lần bị nạn có một bộ óc trẻ con và gần như đánh mất ý niệm về thời gian, cả hai cùng ngồi vẩn vơ lúc quên lúc nhớ chắp nối những mẩu quá khứ u buồn. Ông già đã để cho ký ức lúc chập chờn bảng lảng khói sương, lúc chói gắt dữ dội đi về xen ngang thì hiện tại. Chất liệu hồi ức được biểu đạt ở đây không hiện ra theo cách trình tự mà được đảo lộn, xáo trộn; không nặng về kể tả, mà nặng về tâm trạng, suy tư, chiêm nghiệm, cật vấn. Đây là một dạng truyện viết theo cách của một hồi ức tự nghiệm. Tính chất cảm thương và u buồn bao trùm, đè nặng lên từng câu chữ.
Để đạt được hiệu quả này, về mặt kiến trúc, tác giả tiến hành phân mảnh, nghĩa là triển khai trần thuật theo cách liên tục các mảnh liền kề, không kết dính bề mặt có tính nhân quả, mà kết nối bề sâu có tính suy tưởng. Chúng là những mảnh sự kiện, mảnh suy tư, mảnh tâm tình, mảnh triết lý, mảnh hồi nhớ, mảnh hiện tại, mảnh giấc mơ, mảnh khung cảnh… được sắp đặt bên cạnh nhau và luân phiên theo cách không đều nhau trên bề mặt văn bản truyện. Sự phân mảnh này khác với kỹ thuật montage (lắp ghép) của tiểu thuyết cuối 19 phương Tây và 1930-1945 ở ta, lắp ghép các trường đoạn miêu tả nhằm phá vỡ trật tự tuyến tính của thời gian cốt truyện mang tính truyện kể. Thủ pháp phân mảnh ngày hôm nay dấn thêm một bước nữa: Đập vỡ các trường đoạn miêu tả cho nhỏ vụn hơn, linh hoạt hơn, sắp xếp phóng túng hơn, và sự miêu tả cũng giản lược hơn. Nó không có tham vọng dung chứa mọi thứ, “biết tuốt” mọi thứ như tiểu thuyết truyền thống – một cách tự sự tất dẫn tới dung lượng lớn, thậm chí đồ sộ, và kèm theo nó là sự nhiều lời. Nó hướng tới sự cô đúc, ít lời, sự tối giản. Chính thủ pháp phân mảnh này đã tạo ra nhiều khoảng trống trần thuật nhằm khơi gợi, kích thích sự tưởng tượng ở người đọc. Thủ pháp này phù hợp với một khuynh hướng tiểu thuyết mới xuất hiện gần đây được gọi là tiểu thuyết ngắn (2). Nó được Mạc Can sử dụng như một thủ pháp chính, quán xuyến từ đầu đến cuối rất linh hoạt và hiệu quả. Một ví dụ: Tuy câu chuyện chủ yếu được kể bởi nhân vật “tôi” – ông Ba với những mảnh vụn ký ức có vẻ như hỗn độn hiện về, nhưng có lúc nhân vật này lại được đẩy ra thành nhân vật ở ngôi thứ ba thể hiện bằng những mảnh vụn hiện tại, miêu tả hai anh em ông khi đã về già, sống trong cảnh tàn tật, cô độc. Nhân vật, nhờ vậy, lúc được nhìn cận cảnh, trực diện, lúc lại được đẩy ra xa trên một bối cảnh rộng của hồi ức có tính bao quát; lúc trí nhớ bám vào tình tiết, sự kiện, khi thì lại đào vào cõi suy tư, tâm trạng, cảm xúc. Nhịp điệu tự sự có khi nhanh chậm tùy chỗ, khi lướt qua, lược bỏ, khi dừng lại chậm rãi, kỹ lưỡng. Qua đó, người đọc vẫn thấy được khá rõ đời sống nhân vật và bóng dáng thời cuộc trong các chiều kích cần thiết.
……………………………….