Tuyển Tập Truyện Ngắn Stefan Zweig
EPUB
Tác giả: Stefan Zweig
Thể loại: Tập Truyện Ngắn
Đọc online
Giới thiệu
Xtêfan Xvaig (Stefan Zweig) là một trong những ngôi sao chói lọi trên nền trời văn học thế giới nửa đầu thế kỷ 20, người mà Rômanh Rôlăng gọi là “một nghệ sĩ bẩm sinh”, và là tác giả của những tác phẩm thấm sâu “lòng nhân ái kỳ diệu đối với con người” (M. Gorki).
Ông sinh ngày 18-11-1881 tại Viên, trong một gia đình trí thức Áo. Viên, lúc bấy giờ là thủ đô của đế quốc Áo Hung, một trong những trung tâm “nghệ thuật mới” ở châu Âu. Tập thơ đầu Những sợi dây đàn bằng bạc (1901) của ông thuộc dòng văn học “chủ nghĩa hiện đại”, miêu tả sự cô đơn và tình yêu khắc nghiệt pha trộn lòng tôn sùng cái đẹp “thuần tuý”. Ngoài ra, Xvaig còn dịch nhiều tác phẩm văn học. Trong thời gian này, say mê du lịch, ông đã sang nhiều nước Tây Âu, Ấn Độ, chăm chú xem xét đời sống văn hoá các dân tộc. Việc làm quen với những tác phẩm văn học lớn dần dần giúp ông thoát khỏi ảnh hưởng của “Nghệ thuật mới”. Thoạt đầu, ông say mê thơ của Emin Vêraren, nhà thơ lớn người Bỉ. Sau, ông tiếp xúc với nền văn học Nga, và từ đó đánh dấu một cái mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nhà văn Nga có ảnh hưởng lớn nhất đối với ông là Đôxtôeipxki. Ông tìm thấy ở Đôxtôeipxki những giá trị tinh thần và tư tưởng thân thiết với ông. Đồng thời ông rất cảm phục nhân cách của Đôxtôeipxki, xúc động về số phận của nhà văn Nga vĩ đại.
Năm 1917, tập truyện ngắn Những cảm xúc đầu tiên ra đời gồm những truyện ông viết trong thời gian mười năm. Vấn đề chủ yếu ông đề cập là vấn đề đạo đức (Người nữ gia sư, Điều bí mật day dứt…).
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ khiến Xvaig bàng hoàng. Không muốn là một nhân chứng thụ động trước những biến cố tàn khốc, ông viết nhiều bài cổ vũ tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc châu Âu và cùng với R. Rôlăng, ông kêu gọi nhân dân các nước đứng lên chống lại chiến tranh đế quốc. Năm 1916, ông viết vở bi kịch “Jêrêmya”, biểu lộ lòng căm ghét của ông đối với chiến tranh. Ông chào mừng tác phẩm “Lửa” của H. Bacbuyt, coi đó chẳng những là một bản tuyên ngôn của tư tưởng tự do và tinh thần phản chiến, mà còn là một sự đổi mới về mặt nghệ thuật. Năm 1919, khi H. Bacbuyt tổ chức nhóm “Ánh sang” với mục đích tuyên truyền cho chủ nghĩa quốc tế và đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, Xvaig, lập tức gia nhập. Trong tổ chức này có những nhà văn Cộng sản tiến bộ như R.Rôlăng, H. Wenxơ, P. Vayăng Cutuyriê và nhiều nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng khác… Trong những năm 20, ông viết một số truyện ngắn xuất sắc và một loạt truyện ký tiểu sử – lịch sử. Năm 1938, những truyện ký quan trọng nhất thuộc loại này được tập hợp thành một bộ riêng, mang tên là Những người kiến tạo thế giới. Trong những truyện ký loại này, cũng như trong những truyện danh nhân viết dưới hình thức tiểu thuyết, Xvaig quan tâm đến Thế giới nội tại của các nhân vật xuất sắc nhiều hơn là đến hoàn cảnh xã hội lịch sử của họ. Điều đó đôi khi dẫn ông đến chỗ phóng đại vai trò của cá nhân trong lịch sử.
Sau khi Hitle chiếm chính quyền, ở Đức, các tác phẩm của Xvaig, nhà nhân đạo chủ nghĩa chống chiến tranh và phát xít, bị cấm lưu hành. Khi nước Áo bị chiếm đóng, sau vụ Angsơlutsơ, Xvaig phải rời bỏ tổ quốc sang Braxin lánh nạn.
Năm 1938, ông viết cuốn Magienlăng ca ngợi hành vi dũng cảm của những con người thám hiểm.
Thời gian lưu vong, ông còn viết cuốn “Braxin, đất nước của tương lai”. Năm 1941, tác phẩm hồi ký Thế giới ngày hôm qua ra đời.
Đối với Liên Xô, Xtêfan Xvaig chào mừng Cách mạng tháng Mười, cho đó là một sự kiện lịch sử cực kỳ vĩ đại, nhưng do nhận thức hạn chế, ông coi đó là một hiện tượng dân tộc. Năm 1928, ông sang thăm Liên Xô và gặp Maxim Gorki. Ông mến phục Gorki, coi Gorki là niềm tự hào của giai cấp vô sản và là vinh dự của châu Âu. Giữa hai nhà văn đã có sự trao đổi thư từ thân mật. Khi Đức tấn công Liên Xô, Xvaig chăm chú theo dõi cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Xô Viết và trong hồi ký của mình, ông thuật lại chuyến sang thăm Liên Xô của ông với tình cảm nồng hậu, thắm thiết.
Ngày 22-2-1942, dằn vặt trong nỗi đau tha hương, sống xa tổ quốc, ông đã tự sát. Trong thư tuyệt mệnh, ông viết: “Ở tuổi sáu mươi mà làm lại cuộc đời cần phải có những sức lực đặc biệt. Tôi đã sức cùng lực kiệt sau bao năm dài đằng đẵng sống phiêu bạt tha hương. Bởi thế tôi cho rằng tốt nhất là tôi nên từ giã cõi đời này một cách xứng đáng; đối với tôi, hạnh phúc cao nhất trên đời là tự do và lao động trí óc, cái đem lại cho tôi niềm vui sướng lớn lao. Tôi gửi lời chào tất cả các bè bạn. Có thể là các bạn sẽ nhìn thấy bình minh sau đêm dài tăm tối. Tôi là kẻ nôn nóng nhất, tôi xin ra đi trước”. Ra đi, ông vẫn tin chắc rằng chủ nghĩa phát xít sẽ thất bại và tương lai sẽ thuộc về một chủ nghĩa nhân đạo mới.
Xvaig sáng tác thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký danh nhân và lịch sử, viết khảo luận, phê bình văn học… Tuy nhiên, thành công lớn nhất của ông là trong loại truyện ngắn và truyện ký danh nhân hoặc lịch sử.
Tập truyện này chọn lọc một số truyện ngắn xuất sắc của ông về hai thể loại nói trên.
Là một nghệ sĩ tin tưởng ở chủ nghĩa nhân đạo, mang một tâm hồn nhạy cảm, cởi mở và dịu dàng, sống và sáng tác trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản bắt đầu đi vào chủ nghĩa đế quốc, Xvaig đã nhận ra được tính vô nhân đạo của xã hội tư bản và dĩ nhiên ông đã tố cáo cái xã hội đó trong các truyện của mình.
Trước hết, Xvaig lên án xã hội tư bản về mặt tinh thần đạo đức. Dưới mắt Xvaig, đạo đức tư sản là thứ đạo đức giả dối, hai mặt, chỉ dùng để che giấu sự thật tàn nhẫn, đồi bại của đời sống thực. Trong Người nữ gia sư và Điều bí mật day dứt, qua cái nhìn hồn nhiên, ngay thật, nhân hậu của trẻ thơ, cuộc sống gia đình tư sản bề ngoài, tưởng như êm đẹp, mực thước nhưng thực chất là ngầm chứa những cái giả dối, bất công. Hai em bé gái tình cờ biết được câu chuyện thương tâm về cô gia sư mà người lớn tìm hết cách giấu chúng. Chúng phẫn nộ về cách xử sự tàn nhẫn của cha mẹ chúng đối với cô giáo, chúng mất hết lòng tin vào người lớn, ghê sợ cuộc đời mà từ nay chúng hình dung như một khu rừng tối tăm, ghê rợn. Chú bé Etga khiếp sợ khi khám phá ra rằng người mà chú yêu quý nhất đời, tin tưởng vô hạn – người mẹ thân yêu của chú – hóa ra cũng có thể làm những trò lừa dối thấp hèn. Sự khác biệt giữa những chuẩn mực đạo đức của xã hội tư sản với những gì diễn ra thực tế hàng ngày là một khía cạnh đáng ghê tởm, nó phá hoại ghê gớm tâm hồn con người, khiến con người hoặc sẽ trở nên thù địch với xã hội, hoặc chính mình cũng phải xử sự giả dối nếu muốn thích nghi với cái xã hội đó.
Với con mắt quan sát sắc sảo, Xvaig nhìn thấy rõ xã hội tư sản là một xã hội chia rẽ con người và cả lớp người. Thói ích kỷ làm cho con người đâm ra nhẫn tâm, quên cả nghĩa vụ. Trong Amôk, ta thấy diễn ra một trận quyết đấu về tinh thần giữa một người đàn bà giàu sang và một viên bác sĩ ở xứ thuộc địa. Người đàn bà kia coi viên bác sĩ như mọi thứ mà bà ta có thể “mua” được. Ngược lại, lòng tự ái và sự thèm muốn đã khiến viên bác sĩ mưu toan lợi dụng thế bí của bà ta để làm nhục lòng kiêu hãnh của người đàn bà. Mỗi người trong hai nhân vật đó đều mang trong mình cả cái ác và cái thiện, hoàn cảnh xã hội đã làm cho cái ác chiến thắng. Song, trong thiên truyện “đượm mùi máu, cơn sốt và bệnh điên xứ Malaixia” này (R.Rôlăng), vẫn có một điều làm cho tấn bi kịch nặng nề mang chút ánh sáng: lương tâm làm cho con người vẫn còn là con người, ngay cả trong khi nó lâm vào một tình cảnh không lối thoát, và con người đã hành động theo tiếng nói của lương tâm, dù không xoay chuyển nổi tình thế, nhưng vẫn không để hoàn cảnh nô dịch mình.
Thói sùng bái đồng tiền, coi đồng tiền là giá trị cao nhất của vạn vật đã giết chết những tình cảm thiêng liêng của con người, đã khiến người chồng trong Ngõ hẻm dưới ánh trăng vô tình làm nhục phẩm giá người vợ, đẩy người vợ của mình xuống vực thẳm của thảm họa. Xalômôxôn trong Một trái tim tan nát suốt đời lo kiếm tiền để vợ con sống trong cảnh giàu sang, nhưng rút cuộc cái hạnh phúc mà ông ta săn đuổi chỉ là điều hão huyền. Vợ con khinh rẻ ông, chỉ coi ông như một cái máy kiếm tiền vì ông thiếu học vấn, kém hào hoa phong nhã. Ông sống một mình cô đơn giữa cái “tổ ấm gia đình” và chết vì cõi lòng tan nát. Giàu sang và hạnh phúc không phải là hai khái niệm đồng nhất, mà nhiều khi chống đối nhau.
Trong cái xã hội mà mỗi người là một hòn đảo biệt lập, ngay cả trong tình yêu nam nữ, thứ tình cảm mãnh liệt gắn bó hai con người với nhau nhiều khi cũng không thể đem lại sự đồng cảm về tâm hồn mà chỉ để lại sự luyến tiếc hoặc nỗi thất vọng đắng cay (“Một trò chơi nguy hiểm”, “Lá thư của người đàn bà không quen biết”).
Lối sống phù phiếm của những kẻ thuộc tầng lớp có của làm cho con người mất cả nhân tính. Nhân vật trong “Một đêm kỳ quái” không hề phải lo đến miếng ăn hàng ngày, cũng không có một trách nhiệm xã hội nào, anh ta sống không mục đích, dửng dưng với số phận của mọi người. Chỉ trong một đêm, tiếp xúc với những người ở dưới đáy xã hội, thấy được những bất công ghê gớm, anh ta mới hiểu rằng toàn bộ cuộc sống trước đó của anh ta thật là trỗng rỗng và nghèo nàn một cách thảm hại.
Qua các truyện ngắn, Xvaig đã phê phán xã hội tư sản một cách sâu sắc. Nhưng do quan điểm chính trị hạn chế của ông, sự phê phán đó vẫn chỉ xuất phát từ một thứ chủ nghĩa nhân đạo còn mang tính chất chung chung, trừu tượng. Các mối xung đột giữa con người với xã hội được miêu tả tinh tế, sống động, có bề sâu, nhưng mũi nhọn sự phê phán thường tập trung vào mặt tinh thần đạo đức nhiều hơn là vạch ra những mâu thuẫn xã hội. Nói cách khác, ông phê phán cái tinh thần của xã hội tư sản hơn là phê phán
chính bản thân xã hội tư sản. Hành động của các nhân vật được lý giải rất tinh vi về mặt cảm xúc – tâm lý, nhưng không phải bao giờ chúng cũng được đặt trong sự gắn bó hữu cơ với những mối dây quan hệ xã hội đã sản sinh ra chúng. Điều đó phần nào đã làm yếu chủ nghĩa hiện thực của Xvaig, mặc dù ông có tài quan sát chính xác. Nghệ thuật điển hình hóa trong việc xây dựng những hình tượng nghệ thuật sinh động, mang những đặc trưng rõ rệt của hoàn cảnh, chứng tỏ rằng ông là một nhà văn hiện thực xuất sắc.
Xvaig quan niệm con đường cải tạo xã hội không phải kinh qua những biện pháp cách mạng, mà bằng cách tu dưỡng đạo đức, khơi gợi lòng trắc ẩn, tình thương, từ tâm đối với con người. Truyện Nỗi kinh sợ là một truyện biểu hiện nổi bật khuynh hướng hiện thực đồng thời cũng cho thấy khuynh hướng thỏa hiệp của ông: một nữ nhân vật đã đi ngoại tình vì chán ngán cuộc sống phong lưu nhưng tẻ nhạt, làm mất bản sắc con người. Nhưng thái độ kiên nhẫn, rộng lượng của người chồng đã đưa người vợ trở lại với đời sống gia đình êm ấm. Sự ca ngợi lòng nhân ái, coi đó là cái cứu vãn mối quan hệ ghẻ lạnh giữa người và người được thể hiện trong truyện Hai mươi tư giờ trong đời một người đàn bà. Sự hy sinh của nữ nhân vật dám vượt qua mọi khuôn khổ đạo đức, để cứu một gã trai tuyệt vọng sắp liều đời chỉ là một biểu hiện của lòng thiện, nhưng Xvaig coi đó là một liều thuốc có thể làm dịu những mâu thuẫn gay gắt của xã hội tư bản.
Nhìn chung, các truyện của Xvaig đều vẽ nên một bức tranh với nhiều màu sắc u ám, chết chóc, nhiều đau thương. Đó cũng là bức tranh thực của xã hội tư sản đang thời kỳ bế tắc. Trong cảnh bế tắc ấy, những con người chính trực, có tấm lòng hồn nhiên đôn hậu, có tình cảm chân thành đều được Xvaig miêu tả bằng một ngòi bút thiết tha, trìu mến (các nhân vật trẻ em trong “Người nữ gia sư”, Menđen, trong truyện ngắn cùng tên…). Đặc biệt, Xvaig có thái độ hết sức trân trọng và thương cảm đối với “thân phận người đàn bà” trong cái xã hội mà phụ nữ vốn rất bị coi rẻ. Nữ nhân vật trong Ngõ hẻm dưới ánh trăng tuy phải đi làm cái nghề nhục nhã, nhưng về mặt tinh thần, nàng đứng cao hơn kẻ đã đẩy nàng xuống vực thẳm: nàng vẫn là con người biết tự trọng, kiêu hãnh giàu tình cảm, khao khát tự do cá nhân. Nhân vật nữ trong Lá thư của người đàn bà không quen biết cũng là một hình tượng đẹp, làm người đọc cảm động. Trong lời tựa cho bản dịch tuyển tập tác phẩm của Xvaig sang tiếng Nga, M.Gorki viết về truyện này như sau:
“Tôi chưa từng biết một nghệ sĩ nào có thể viết về phụ nữ với tấm lòng trân trọng và trìu mến đến như thế”. Trong thư riêng gửi Xvaig, đề ngày 18-9-1923, Gorki viết rằng khi đọc truyện này ông “cười lớn vì vui mừng: anh viết hay quá chừng” và “khóc không hề biết hổ thẹn vì thương xót người đàn bà trong truyện”. Quả thực, tình yêu của người phụ nữ ấy là một tình yêu say đắm, trọn vẹn, trong trắng – không vì tiền, không vì tình dục, một tình yêu đầy hy sinh. Nàng vẫn giữ tâm hồn trinh bạch ngay cả khi phải bán mình để nuôi con, trái tim trước sau vẫn chỉ dành cho một người. Tính đam mê của tình yêu không làm mất đi cái vẻ đẹp tình cảm chung thuỷ của nàng. Số phận bi thảm của nàng càng làm nổi bật sức mạnh của tình yêu và của lòng tự trọng.
Một số truyện ký danh nhân và lịch sử ở đây rút ra từ tập Những giờ hồng phúc của nhân loại. Tác phẩm này gồm một loạt những bức họa nhỏ, tái hiện những khoảnh khắc hiếm hoi, trọng đại trong sự sáng tạo của các cá nhân lỗi lạc, hoặc trong tiến trình của lịch sử. Quả là “tất cả những gì chân chính, bất diệt mà người nghệ sĩ sáng tạo được đều chỉ diễn ra trong những khoảnh khắc ngắn ngủi và hiếm hoi” (Thiên tài của một đêm, Bản bi ca Marienbat). Một khoảng thời gian cực ngắn có thể dồn chứa cơ man nào là sự kiện bình thường xảy ra trước đó và nó là sự đột biến về chất của những tích lũy về lượng.
Trong công cuộc tìm kiếm sáng tạo, đôi khi thất bại của những cá nhân kiệt xuất cũng có giá trị như những thành tựu, vì nó kích thích tinh thần dũng cảm và sáng tạo của cả một dân tộc hay của toàn nhân loại (Đấu tranh giành Nam cực).
Mỗi khám phá của cá nhân lỗi lạc hay của lịch sử bao giờ cũng phải trả giá bằng những đau khổ và hy sinh. Cái giá ấy như thế nào là tùy ở hoàn cảnh thuận lợi nhiều hay ít. Một số truyện về lịch sử chinh phục các vùng đất mới cũng cho thấy rõ “Tư bản ra đời đầm đìa những máu và bùn nhơ ở khắp mọi lỗ chân lông của nó” (C. Mac).
Trong những kỳ tích hay sai lầm của cá nhân mà Xvaig miêu tả ở đây, hành động của cá nhân bao giờ cũng gắn liền với hoàn cảnh cụ thể, thường là ở những bước ngoặt lịch sử. (Thiên tài của một đêm, Giây phút mang tầm cỡ thế giới). Hoàn cảnh ngặt nghèo có khi lại thúc đẩy con người phát huy hết khả năng tiềm tàng trong bản thân, hướng những năng lực đang ngủ yên hoặc bị dùng chệch hướng vào con đường thực hiện những khám phá có tầm quan trọng lịch sử.
Trong những truyện kể loại này, Xvaig tôn trọng tính chân thực trong việc trình bày các sự kiện, nhưng ông không làm công việc của nhà viết sử, mà tập trung chủ yếu vào việc miêu tả tính cách, ý chí, tài năng, diễn biến nội tâm các nhân vật. Điều đó làm câu chuyện trở nên hấp dẫn. Đồng thời, qua những truyện này, ta có thể thấy rõ thái độ quý trọng sâu sắc của tác giả đối với những giá trị văn hóa và những thành tựu tinh thần của con người.
Tuy nhiên, quan điểm lịch sử của Xvaig bộc lộ ở đây cũng có phần chưa đúng. Ông có phần nào phóng đại vai trò của cá nhân quan trọng dẫn đến thất bại của Napôlêông trong trận Oateclô, nhưg dù sao đấy vẫn không phải là nguyên nhân quyết định vận mệnh của châu Âu.
*
* *
Rômanh Rôlăng nhận xét về Xtêfan Xvaig: “Xvaig yêu bằng trí tuệ và hiểu bằng trái tim”. Hai đặc điểm này kết hợp một cách nhuần nhuyễn trong từng tác phẩm của ông.
Về mặt nghệ thuật, điều trước tiên là tài kết cấu truyện của ông thật điêu luyện, bất cứ truyện nào của ông cũng có một sức lôi cuốn lạ lùng. Người đọc hồi hộp theo dõi sự phát triển tình tiết một cách căng thẳng; kịch tính trong số phận của các nhân vật mỗi lúc một tăng, cho đến khi câu chuyện kết thúc một cách bất ngờ mà vẫn hợp lý. Nhưng sức hấp dẫn đó không phải là do đề tài mới lạ, tình huống dị kỳ, mẫu người hiếm có. Trái lại, đề tài phần nhiều khá quen thuộc, cốt truyện chẳng mấy ly kỳ (Người nữ gia sư, Lá thư của người đàn bà không quen biết…, Hai mươi tư giờ trong đời một người đàn bà). Vậy thì sức hấp dẫn đó là do đâu?
Trước hết là vì trong cái bình thường hàng ngày, Xvaig biết phát hiện ra những xung đột ngấm ngầm đầy kịch tính. Sự hấp dẫn trong câu chuyện về cô gia sư chính là ở những diễn biến bí ẩn trong tâm hồn hai đứa trẻ dẫn đến sự xung đột không thể hòa giải giữa chúng với cha mẹ chúng và với thế giới của người lớn, nhưng những xung đột ấy lại không bộc lộ một cách công khai.
Các truyện của Xvaig triển khai không dựa vào các biến cố, mà chủ yếu là theo sự diễn biến tâm lý, những giao động nội tâm, sự bùng nổ của dục vọng. Xvaig là bậc thầy về nghệ thuật phân tích tâm lý của nhân vật. Ông nhìn thấy và đã phơi bày ra những sợi dây tâm lý tinh vi nhất trong tâm hồn các nhân vật và cho ta thấy sự đan kết phức tạp giữa những tình cảm trái ngược diễn ra cùng một lúc trong một con người (chẳng hạn, cuộc gặp gỡ giữa người đàn bà Anh và viên bác sĩ tại nhà ông ta). Thủ pháp miêu tả tâm lý của Xvaig luôn luôn thay đổi, nhiều hình nhiều vẻ: sự miêu tả trực tiếp của tác giả, cử động của nhân vật, ngữ điệu của nhân vật phản ánh qua những thay đổi ngấm ngầm trong tâm hồn của họ, nhận xét của người thứ ba được nghe kể lại hoặc chứng kiến sự việc… Vì vậy cách miêu tả và phân tích tâm lý của Xvaig có sức thể hiện tình cảm rất mạnh và đạt hiệu quả thẫm mỹ rất lớn. Có thể nói ông có sự đóng góp mới mẻ, quan trọng cho văn học về mặt này. Tuy nhiên, việc quá say mê phân tích tâm lý, nghiên cứu tỉ mỉ và tái hiện những cảm xúc hết sức khó nắm bắt của nhân vật đôi khi cũng làm thiệt hại đến sự miêu tả tính cách nhân vật. Nhưng dù sao, mỗi truyện của Xvaig đều là một cấu tạo hài hòa, cân đối, trong đó mỗi chi tiết đều gắn bó với các chi tiết khác một cách hữu cơ.
Sự nghiệp sáng tác của Xtêfan Xvaig, phong phú và đa dạng. Lần này, bước đầu, chúng tôi chỉ mới giới thiệu một truyện vừa (Amok) một ít truyện ngắn và ký của ông và hy vọng trong thời gian tới sẽ có thể giới thiệu các tác phẩm của ông nhiều hơn nữa.
PHẠM MẠNH HÙNG