Chân Dung Nguyễn Hiến Lê
EPUB
Tác giả: Quách Tấn
Thể loại: Tự Truyện – Hồi Ký
Đọc online
Giới thiệu
Phần viết về cụ Nguyễn
Hiến Lê trong Hồi Ký Quách Tấn mà chúng ta sẽ đọc ở dưới
đã được bạn Tovanhung đánh máy và đăng trên TVE từ ngày 15.05.2007 đến ngày 19.06.2007
với nhan đề là: Nguyễn Hiến Lê (Trích Hồi ký Quách Tấn, rất
hay). Và bạn Tovanhung có đôi lời giới thiệu như sau:
“Sở dĩ tôi đặt tiêu đề
dài dòng như vậy là vì muốn bạn đọc chú ý nhiều hơn đến bài viết này. Về cuộc đời,
sự nghiệp, những kỷ niệm với học giả Nguyễn Hiến Lê đã từng được viết rất nhiều,
kể cả công trình nghiên cứu cao học. Thế nhưng, viết về Nguyễn Hiến Lê một cách
đầy đặn, cặn kẽ, có chiều sâu, phác hoạ khá trọn vẹn chân dung của ông nhất,
tôi cho là chỉ có Quách Tấn.
Sinh thời, thi sĩ đất
Bình Định này cũng là bạn tâm giao và có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Nguyễn Hiến
Lê. Ông và học giả họ Nguyễn cũng trao đổi thư từ cho nhau rất nhiều.
Bắt đầu từ hôm nay, tôi
sẽ tuần tự đánh máy trọn vẹn bài viết (90 trang) về Nguyễn Hiến Lê trích trong “Hồi ký Quách Tấn” do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm
2003.
Mời các bạn bắt đầu
theo dõi để hiểu thêm về cuộc đời và nhân sinh quan của học giả Nguyễn Hiến
Lê”.
Phần viết về cụ Nguyễn
Hiến Lê trong Hồi Ký Quách Tấn cũng được đưa vào Phụ lục
tập Quách Tấn – Nguyễn Hiến Lê những bức thư đầm ấm,
Quách Giao sưu tầm (Nxb Tổng Hơp TP. Hồ Chí Minh, năm 2010) – về sau gọi tắt là
Những bức thư đầm ấm – với nhan đề là: Hồi ký về Nguyễn Hiến Lê. Ebook này, tôi tạm dùng mấy chữ “Chân dung Nguyễn Hiến Lê” làm nhan đề do câu: “…viết về Nguyễn Hiến Lê một cách đầy đặn, cặn kẽ, có chiều sâu, phác
hoạ khá trọn vẹn chân dung của ông nhất, tôi cho là chỉ có Quách Tấn”
trong lời giới thiệu của Tovanhung ở trên và nhất là do câu: “Không
biết Châu Hải Kỳ “vẽ chân dung” anh có “vẽ” được phong cốt chăng?” của cụ
Quách Tấn trong thư gởi cụ Nguyễn Hiến Lê ngày 20.12.1979. Trong thư đó,
cụ Quách Tấn viết:
“Anh khen tôi “sáng tác
mạnh”. Tôi mừng nhưng ngó đến số tác phẩm của anh, đã in (100 bộ, còn tại cảo
trên 20 bộ) tôi lại ngộp. Tôi thường nói cùng Châu Hải Kỳ rằng nội việc đọc
sách của anh cũng khó có người theo kịp chớ đừng nói đến chuyện đọc rồi còn
“tiêu”, tiêu rồi còn viết. Anh gầy là phải. Và C.T[1] ví anh với khóm lão mai thật
đúng vì chỉ có lão mai mới ra hoa thạnh dưới trời đông lạnh lẽo.
Ngồi buồn đem tấm ảnh
anh chụp năm 1969 và ảnh chụp năm 1972 anh gởi cho kỳ trước, tôi nhận thấy năm
1972 anh hồn nhiên, còn năm 1969 anh lại có phần tư lự. Năm 1972 là thế còn năm
1979? Hôm tôi và C.T vào thăm đó, thấy anh tự tại lắm.
Không biết Châu Hải Kỳ
“vẽ chân dung” anh có “vẽ” được phong cốt chăng? Tôi chưa có dịp đọc bản thảo.
Nói về văn và nói về người trong “gương văn chương” chưa thú bằng nói về “văn
trên con người” và nói về người trên ngôn ngữ, thái độ, cử chỉ hằng ngày của
người ấy. Phải vẻ truyền thần mới lột được hết “ý nghĩa” của một tập thơ sống
Nguyễn Hiến Lê.
Tôi đã “đọc” được nhiều
“tập thơ sống”: Tản Đà, Hàn Mạc Tử, Đông Hồ, Bích Khê, và Nguyễn Hiến Lê và
Tương Phố. Một tập thơ ít chất thơ nhất là bà chị T.P của tôi, Cụ Thúc Gia Thị
cũng là một tập thơ nhiều thú mà ít vị. Vũ Hoàng Chương, sắc thắm song hương vị
không được tươi thanh.
Muốn thành “tập thơ sống”
phải có đời sống nên thơ.
Đời sống của anh là
“hương đạm vị nồng” cho nên “cái đẹp nơi anh là “dư vị”. Mà cái vị của anh là vị
của nước thanh tuyền. Có “tế ẩm” mới “tri chân vị”. Nếu khách thích sâm banh,
uýt ky, cà phê, sữa bò… thì chả thấy vị chớ đừng nói “dư vị”[2].
Châu Hải Kỳ chưa gần anh,
tôi e không nhận thấy điểm ấy. Người còn sống khó viết sử quá! Có lẽ sợ viết
sai bị đòn, cho nên phải đợi họ hết còn sống rồi mới viết “thao thao bất tuyệt”.
Nếu viết có sai, tôi nằm chiêm bao thấy bạn doạ đập thì thách: “Giỏi sống lại
mà cãi…”. Vậy tôi với anh, suýt soát tuổi nhau, ai về chầu trời trước là có phước
đó. Cho nên khi nghe tiếng hạc kêu trước sân thì nên nói cùng con cháu: “Tao có
phước hơn anh…” rồi cười to một tiếng lên lưng hạc thăng thiên”.
Trong thư ngày
27.4.1980, cụ Quách Tấn lại viết:
“Văn anh có giọng phong
lưu thật đấy.
Văn anh giống anh như
hình với bóng.
Nếp phong lưu của anh
khác hẳn Đông Hồ. Anh Đông Hồ có vẻ phong lưu của hoa cẩm nhung, hoa thược dược.
Vẻ phong lưu của anh là vẻ phong lưu của khóm mai già bên bờ suối, cành khẳng
khiu, hoa lác đác. Nhìn vào gốc vào nhánh thì “khắc khổ” như một nhà sư ăn chay
trường, song có nhìn xuống mặt suối mới thấy rõ văn thái phong lưu, nhìn lên
trên không mới ngửi thấy ám hương phù đổng.
Tôi rất tiếc Châu Hải Kỳ
không tìm gặp anh và hiểu thêm anh trước khi viết. Tôi muốn dùng những nhận xét
của tôi nói với Kỳ, song ngại rằng vẽ người kiểu tôi, người chưa gặp anh, không
nhìn thấy “dung mạo”. Thêm nữa Kỳ viết những gì về anh, tôi không được xem. Chỉ
biết rằng anh ấy đọc anh rất kỹ và đối với anh thật tận tình.
Tôi sẽ viết một ngày gần
đây, con người Nguyễn Hiến Lê. Đó mới khó, người không gần, hoặc gần mà không
“tri âm” thì có viết không giống. Tôi muốn viết giống, mũi dài thêm một tí, miệng
rộng hơn một tí… cũng không sao. Giống mà không đúng còn hơn đúng từng ly từng
tí mà trông vào có cảm giác như một “plan nhà của một kiến trúc sư”, chớ không
phải là ngôi nhà trên mặt đất”.
Theo cụ Nguyễn Hiến Lê, trong thư gởi cụ Quách Tấn
ngày 10.6.1980, thì “André Maurois viết tiểu sử
Victo Hugo, Balzac, G. Sand, nổi danh là không ai viết bằng, chính là nhờ đọc
những correspondant[3]của
những nhà đó, chứ đâu có nhờ đọc tác phẩm của họ. Châu Hải Kỳ không được ở gần
tôi mà cũng không đọc correspond của tôi”. Trong thư đó, cụ Nguyễn Hiến Lê còn viết:
“Tôi nhận thấy: tôi có
bảy bạn văn, mà chỉ có ba người viết thư hay và viết nhiều thư cho tôi. Người
thứ nhất là Đông Hồ. Ảnh viết tháu ghê lắm, phải quen lắm mới đọc nổi. Cũng nằm
mà viết như tôi viết cho anh lúc này đây.
Người thứ nhì là anh.
Anh không viết tháu, Giản Chi cũng vậy, có vẻ thận trọng, không phóng bút như
Đông Hồ. Người thứ ba là Giản Chi, giống anh về thận trọng, nhưng ít thư hơn
anh nhiều. Có lẽ tại chúng tôi ở gần nhau. Cũng tại anh ấy bận nhiều việc nhà lắm”.
Tuy không được đọc
các thư từ trao đổi giữa cụ Nguyễn Hiến Lê với cụ Đông Hồ và cụ Giản Chi, (chắc
là vậy), nhưng bức chân dung của cụ Nguyễn Hiến Lê do cụ Quách Tấn vẽ “truyền
thần”, có thể nói là chân tình, tự nhiên mà cảm động, và đúng như lời nhận xét
của Tovanhung: “có chiều sâu” và “khá trọn vẹn nhất”.
Xin chân thành cảm
ơn bạn Tovanhung và xin trân trọng gởi đến các bạn.
Goldfish
Tháng 5 năm 2012