[appbox googleplay org.bbbooks.android]
Trang chủ » Lịch Sử Việt Nam » Danh Tướng Việt Nam 3

Danh Tướng Việt Nam 3

Bìa sách

EPUB

Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần

Thể loại: Lịch Sử Việt Nam

Bộ truyện : Danh Tướng Việt Nam – Quyển 3

Đọc online

Giới thiệu

Bạn đọc yêu quý, 
Các nhà sử học vẫn gọi thế kỷ thứ XVIII của lịch sử nước ta là “thế kỷ của chiến tranh nông dân”. Gần trọn cả thế kỷ này, những người nông dân áo vải ở khắp mọi miền của đất nước, từ đồng bằng đến trung du và rừng núi, từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong… đã quả cảm vùng lên “khuấy nước chọc trời”, tấn công không khoan nhượng vào toàn bộ cơ đồ thống trị của giai cấp phong kiến bóc lột đang trên bước đường sa đọa ngày một thảm hại. Hoảng sợ trước sức mạnh quật khởi phi thường ấy, các tập đoàn phong kiến thống trị không chỉ cam lòng phản dân mà còn nhẫn tâm hại nước. Bấy giờ, nếu Nguyễn Ánh phạm tội ác “trời không dung, đất không tha” là rước năm vạn quân Xiêm về giày xéo lên một phần thiêng liêng của lãnh thổ xứ Đàng Trong, thì Lê Chiêu Thống cũng phạm trọng tội đáng để cho “đời đời lên án” đó là đã rước hai mươi chín vạn quân xâm lược Mãn Thanh về chà đạp lên một phần giang sơn gấm vóc của xứ Đàng Ngoài. Vận mệnh dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng cả từ bên trong lẫn bên ngoài, cả từ phía Nam lẫn phía Bắc. Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, lớp lớp những người nông dân áo vải chẳng những đã hiên ngang đứng lên đấu tranh giành quyền sống cho mình, mà còn khảng khái đảm đương sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc. Từ trong khói lửa của cuộc chiến đấu một mất một còn chống thù trong và giặc ngoài, tên tuổi của một loạt các bậc danh tướng đã xuất hiện, vừa góp phần làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường của cả dân tộc, vừa đóng góp cho kho tàng kinh nghiệm thao lược của tổ tiên những tri thức vô giá.
Với tất cả niềm tự hào mãnh liệt và sâu sắc của mình, tác giả xin dành trọn tập thứ ba của bộ DANH TƯỚNG VIỆT NAM để trân trọng giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của các bậc danh tướng trong chiến tranh nông dân thế kỷ XVIII và phong trào Tây Sơn. 
Nếu trước đó, tên tuổi của các danh tướng trong sự nghiệp giữ nước từ đầu thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIV và danh tướng Lam Sơn1 nhìn chung đều được các bộ chính sử xưa trân trọng ghi chép, do đó, việc tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của họ có những thuận lợi nhất định, thì rất tiếc là danh tướng trong chiến tranh nông dân thế kỷ XVIII và phong trào Tây Sơn, hoặc là rất ít được các bộ chính sử cũ chép đến, hoặc là chỉ được chép đến với dụng ý xuyên tạc rất rõ ràng. Nghịch lí này cũng không có gì là khó hiểu, bởi lẽ, sử cũ nói đến ở đây là sử biên soạn vào thời Nguyễn, mà dưới con mắt của hầu hết các sử gia thời Nguyễn, mọi phong trào nông dân đều bị coi là “giặc cỏ”, còn Tây Sơn là “kẻ thù không đội trời chung”. Sự hụt hẫng của chính sử tuy có được bù đắp bởi những trang ghi chép của dã sử và đặc biệt là những lời kể hào hùng phản ánh niềm kiêu hãnh bất diệt của nhân dân, nhưng, việc tập hợp, xác minh và chỉnh lí tài liệu cũng không phải nhờ vậy mà giảm bớt được khó khăn. 
Giới thiệu các bậc danh thắng là việc làm rất dễ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, nhưng, sắp xếp thứ tự trước sau của các danh tướng trong từng tập sách cụ thể thì thường có nhiều ý kiến khác nhau. Mục đích cao nhất, cũng là mục đích xuyên suốt của tác giả đặt ra cho cả bộ sách 5 tập này là làm sao để có thể tạo ra những mạch vấn đề thật nhất quán, nhằm giúp bạn đọc theo dõi một cách thuận tiện nhất. Vị trí và tầm vóc của từng vị danh tướng không hề phụ thuộc vào thứ tự trước sau của họ trong tập sách này. Xuất phát từ nhận thức ấy, tác giả chia tập 3 của bộ DANH TƯỚNG VIỆT NAM thành bốn phần chính sau đây: 
– Những danh tướng xuất thân áo vải đầu tiên: gồm toàn bộ những trang viết về những thủ lĩnh tiêu biểu và xuất sắc nhất, cũng là những danh tướng có nhiều công lao trong phong trào chiến tranh nông dân thế kỷ thứ XVIII như: Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Hoàng Công Chất. Có một danh tướng khá đặc biệt cũng được tạm ghép vào phần này, đó là Lê Duy Mật. Sở dĩ gọi là “tạm ghép” bởi vì ông xuất thân từ hoàng tộc chứ không phải từ đội ngũ những người nông dân áo vải, nhưng, cuộc đời và sự nghiệp của ông lại gắn bó mật thiết với nông dân trong cuộc chiến đấu quyết liệt đương thời. 
– Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ – ba lãnh tụ của phong trào Tây Sơn, ba danh tướng kiệt xuất nhất của thế kỷ XVIII: là một trong những phần quan trọng nhất của tập 3. Phần này được chia làm bốn nội dung khác nhau như sau: 
      + Giới thiệu chung về lai lịch, quê hương và gia đình của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Tất cả được dừng lại khi ba anh em Tây Sơn đồng tâm hiệp lực, dựng cờ xướng nghĩa ở ngay trên quê hương của mình. 
      + Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Nhạc. 
      + Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Huệ. 
      + Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Lữ. 
– Danh tướng Tây Sơn: cũng là một trong những phần quan trọng nhất của tập 3. Ở đây, cuộc đời và sự nghiệp của các danh tướng Tây Sơn, những người từng vào sinh ra tử, từng có những cống hiến xuất sắc cho phong trào Tây Sơn sẽ lần lượt được giới thiệu. 
– Phụ lục: là phần dành riêng để viết về những nhân vật đặc biệt, như Ngô Thì Nhậm, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp,… v. v. Họ không hề là võ tướng, nhưng, những ý kiến xuất sắc của họ lại có ảnh hưởng tích cực rất to lớn đối với thắng lợi chung của phong trào Tây Sơn.
Bạn đọc yêu quý. 
Trận đánh nào cũng có nhiều võ tướng tham gia, bởi vậy, dẫu đã ý thức một cách đầy đủ và dẫu đã rất cố gắng, tác giả cũng không sao có thể tránh khỏi một vài sự trùng lặp nhất định. Đành rằng, tập 3 là tập chung cho tất cả các danh tướng trong chiến tranh nông dân thế kỷ XVIII và phong trào Tây Sơn, nhưng nếu tách riêng ra, phần viết về mỗi danh tướng lại có tính độc lập rất rõ rệt. Thiết nghĩ, đang đọc ở giữa hay cuối tập mà phải lật ngược trở lại để tra cứu ở đầu tập hoặc đang đọc chuyện danh tướng này lại phải dò tìm thêm tư liệu ở chuyện của danh tướng khác… cũng là điều rất bất tiện. Từ suy nghĩ ấy, tác giả thấy cần thiết phải chấp thuận sự trùng lặp trong một liều lượng và một khuôn khổ cho phép. Suy cho cùng, đấy cũng là sự cần thiết nẩy sinh từ ý định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bạn đọc khi theo dõi những diễn biến phức tạp của các sự kiện xảy ra cách đây trên hai thế kỷ mà thôi.
Khi tập 3 bắt đầu được khởi thảo thì một tin vui lớn đã đến với tác giả, đó là tập 1 và tập 2 của bộ DANH TƯỚNG VIỆT NAM, dù mới được in và phát hành với một số lượng khá lớn, cũng đã được tái bản. Càng vui hơn nữa, khi mà cùng với việc tái bản tập 1 và tập 2 của bộ DANH TƯỚNG VIỆT NAM, Nhà Xuất bản Giáo dục còn cho tái bản lần thứ ba, trọn bộ VIỆT SỬ GIAI THOẠI (8 tập) và THẾ THỨ CÁC TRIỀU VUA VIỆT NAM cũng đều do tác giả biên soạn. Đó thực sự là một hạnh phúc nghề nghiệp của năm 1997 mà tác giả đã may mắn được hưởng. Tác giả chẳng biết nói gì hơn là chân thành cám ơn sự chăm sóc ân cần của Nhà Xuất bản Giáo dục, chân thành cám ơn sự cổ vũ hào hiệp và vô tư của bạn đọc gần xa. 
                                                                                       Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17-1-1998                                                                                                   NGUYỄN KHẮC THUẦN

Bình luận

bình luận

Trả lời

Về trang web

Trang web bbbooks.vn được thực hiện do sở thích cũng như phục vụ nhu cầu cá nhân, sau đó chia sẻ cho cộng đồng.

Ebook tại bbbooks.vn được sưu tầm từ các nguồn trên internet và được download hoặc đọc hoàn toàn miễn phí.

Các tính năng thường xuyên được cập nhật.

Bản quyền sách

Bản quyền thuộc về tác giả, nhà xuất bản, nhóm tạo ebook..., ebook đưa lên cố giữ nguyên nguồn ebook tuy nhiên cũng có thể mất thông tin khi định dạng lại cho phù hợp với phần mềm đọc sách.

Không khuyến khích in ấn (ít ra cũng giúp ích cho môi trường) và thương mại hóa ebook.

Phần mềm đọc sách trên di động

Khuyến nghị dùng Chrome để truy cập trang web. Để tối ưu cho thiết bị di động bạn nên tải Phần mềm đọc sách BBBooks cho Android hoặc Window Phone từ Store theo liên kết dưới đây:

Android: Tải từ Play store

Window Phone: Tải từ Window store