Văn Học Việt Nam Thời Toàn Cầu Hóa
EPUB
Tác giả: Nguyễn Hưng Quốc
Thể loại: Tản Văn – Tạp Văn
Đọc online
Giới thiệu
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của phê bình
và lý thuyết văn học là nhận diện các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến diện mạo
của văn học trong hiện tại cũng như trong tương lai, ít nhất là tương lai gần,
trong một vài thập niên sắp tới. Khi tiến hành công việc ấy, giới nghiên cứu Việt
Nam thường có khuynh hướng nhìn vào các khía cạnh chính trị và xã hội, chủ yếu
tại Việt Nam, và đặc biệt từ góc độ chính sách của nhà nước. Cách tiếp cận ấy
được dựa trên hai tiền đề chính: Thứ nhất, trong văn học, nội dung – cụ thể là
thái độ chính trị xã hội – là yếu tố quan trọng nhất; và thứ hai, Việt Nam là một
xã hội hoàn toàn biệt lập và cô lập. Tiếc, cả hai tiền đề ấy đều không đúng.
Văn học là một nghệ thuật ngôn ngữ, ở đó, tính nghệ thuật của ngôn ngữ, và cùng
với nó, cảm quan và thái độ thẩm mỹ của người viết, mới là những điều căn bản.
Tất cả những yếu tố này đều chịu sự tác động mạnh mẽ không phải chỉ từ các biến
cố chính trị trong nước mà còn từ các điều kiện kinh tế, xã hội và văn hoá bên
ngoài, có khi từ những nơi rất xa xôi. Chính vì thế, tôi đề nghị một tầm nhìn
khác, rộng hơn: thế giới. Ở đó, năm đặc điểm này, theo tôi, là quan trọng nhất:
toàn cầu hoá, giải lãnh thổ hoá, lai ghép hoá, hậu hiện đại hoá và mạng hoá (webization). Tôi cho
chính năm đặc điểm này, hơn bất cứ yếu tố nào khác, sẽ quyết định diện mạo của
văn học Việt Nam trong những thập niên sắp tới. Có điều, tiếc, trừ chủ nghĩa hậu
hiện đại, chưa có yếu tố nào được giới cầm bút Việt Nam quan tâm phân tích. Mà
chủ nghĩa hậu hiện đại cũng chỉ được đề cập một cách hết sức sơ sài và đầy
thiên kiến. Có cũng như không.
Sau khi nhận diện năm đặc điểm ấy, tôi phân
vân một thời gian khá lâu về cách viết. Viết, phóng bút mà viết; viết như rút từ
trong bụng ra, không cần trích dẫn và cứ vờ như mình là người đầu tiên biết cầm
bút, bao giờ cũng có sức quyến rũ mãnh liệt. Quyến rũ vì dễ. Quyến rũ vì ảo tưởng:
người ta dễ ngỡ những gì mình viết là của riêng mình, chưa ai nói tới bao giờ cả.
Quyến rũ vì phù hợp với thị hiếu của đám đông vốn thường nghiêng về giải trí
hơn là tìm tòi, thích sự dễ dãi hơn là khó khăn. Quyến rũ nữa, vì không bị ràng
buộc bởi yêu cầu về sự chính xác và chặt chẽ, ngôn ngữ tha hồ tung tẩy, uốn éo,
bay lượn; chữ cứ tràn lên chữ; chữ càng có tính ẩn dụ càng được xem là đẹp. Và
càng có nhiều chất thơ. Tất cả đều quyến rũ. Đã đành. Tuy nhiên, theo tôi, đó
là những quyến rũ đầy nguy hiểm. Nguy hiểm vì nó sai: không có kiến thức nào là
không có tính lịch sử, hơn nữa, chính tính lịch sử của kiến thức cũng là một thứ
kiến thức quan trọng và cực kỳ cần thiết; riêng trong trường hợp của Việt Nam,
càng cực kỳ quan trọng và cần thiết, vì chúng có tác dụng thúc đẩy việc mở rộng
và gạn lọc kiến thức, từ đó, củng cố và nâng cao nền học thuật của một quốc
gia. Nguy hiểm vì nó trái với sự lương thiện trí thức vốn đòi hỏi nhà nghiên cứu,
phê bình và lý luận phải ghi nhận sự đóng góp của người khác; nó cũng trái với
đạo đức nghề nghiệp vốn đòi hỏi sự nghiêm túc về tư liệu và tinh thần trách nhiệm
về các phát biểu của mình. Nguy hiểm còn vì nó làm mất thì giờ và công sức một
cách vô ích. Văn học của chúng ta, nhất là loại văn học mang tính học thuật, từ
phê bình đến lý thuyết và nghiên cứu, không thiếu chất thơ và không thiếu tính ẩn
dụ. Có thể nói là thừa nữa là đằng khác.
Nghĩ thế, trong cuốn sách này, tôi đã chọn hướng
khác: khái niệm hoá. Theo tôi, trong lãnh vực học thuật, điều chúng ta có rất
ít và cần có nhiều hơn nữa là các khái niệm. Không có khái niệm, chúng ta, một
mặt, không thể xây dựng được hệ thống thuật ngữ cho chuyên ngành của mình; mặt
khác, quan trọng hơn, chúng ta cũng sẽ không thể nhận diện được hiện thực vì hiện
thực, nhất là hiện thực xã hội, chính trị và văn hoá, vĩnh viễn vô hình nếu
chúng vô danh. Không có thuật ngữ, chúng ta không thể có một nền học thuật văn
học. Không nhận diện được hiện thực, chúng ta không thể vượt bỏ hiện thực.
Không thể vượt bỏ, chúng ta sẽ không có tiến bộ. Không có tiến bộ, chúng ta sẽ
không thể có lịch sử. Không có lịch sử, chúng ta sẽ không có gì cả.
Trong một một nền văn học có truyền thống nghiệp
dư và nặng về cảm tính, tập trung vào khái niệm là một thử thách lớn. Hầu hết
các thuật ngữ mới trong tiếng Việt đều chưa có độ ổn định để trở thành rõ
nghĩa, chưa có đủ độ dày về thời gian để mang tính biểu cảm, và cũng chưa có độ
rộng liên văn bản cần thiết để dẫn dụ người đọc vào thế giới trí thức còn xa lạ. Do đó,
chúng thành khó hiểu. Và cũng có thể gây hiểu lầm. Để giải quyết vấn nạn này,
chúng ta phải cần đến một yếu tố: thời gian.
Nhưng đặc điểm của thời gian của con người là:
nếu chúng ta không bắt đầu thì nó sẽ không tới.
Không bao giờ tới.